Ở một giai đoạn nào đó, hầu hết trẻ em đều có biểu hiện cáu gắt, ăn vạ hoặc tức giận, ném đồ. Trong hoàn cảnh đó cách xử trí của cha mẹ khi trẻ hay cáu gắt là gì? Đánh mắng trẻ hay lờ đi? Tìm hiểu ngay bài viết này để có cách xử trí thông minh mẹ nhé!
Nguyên nhân làm trẻ hay cáu gắt
Theo một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: 87% trẻ 1 đến 2 tuổi có những biểu hiện cáu gắt, khó chịu. Tỷ lệ này đạt mức độ tối đa là 91% khi trẻ 2,5 tuổi – 3 tuổi, và mức độ những “cơn thịnh nộ” giảm xuống khi trẻ 3,5 – 4 tuổi. Những biểu hiện cáu gắt ở trẻ thường kéo dài khoảng 2 phút ở trẻ 1 tuổi và 5 phút ở trẻ 4 tuổi.
Biểu hiện trẻ hay cáu gắt xuất hiện dưới đủ hình thái: có khi bé sẽ gào khóc, gồng cứng tay chân, ưỡn cong người, đá lung tung, giậm chân, hay ăn vạ nằm lăn ra đất. Có một số trường hợp trẻ còn phá phách đồ đạc, trở nên hung hãn thậm chí khóc đến lặng người và đột nhiên nín thở đến xanh, tím cả người.
Hiện nay việc trẻ thiếu kiềm chế cảm xúc đang là một trong những vấn đề khá phổ biến nhất là những trẻ em sinh ra và lớn lên tại các thành phố lớn. Phần lớn trẻ em ở thành phố rất ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Trẻ sinh ra viện rồi về nhà, về nhà lại được bao bọc không tiếp xúc với người lạ…
Vì thế, khả năng giao tiếp, khả năng vận động của trẻ sẽ bị hạn chế, trẻ không có nhiều cơ hội trải nghiệm bản thân, dẫn đến những ức chế nhất định trong tâm lý của trẻ.
Hơn nữa việc nhiều phụ huynh hiện nay có xu hướng ép trẻ làm nhiều thứ cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay cáu gắt, nổi cơn thịnh nộ. Từ việc ăn, ngủ hay học… trẻ đều bị người lớn ép, mà ít có khi được làm theo ý mình.
Người lớn chưa thực sự lắng nghe cũng như tôn trọng như những sở thích của trẻ dẫn đến việc trẻ thụ động, chỉ làm theo những gì được chỉ dẫn sắp xếp, không có cơ hội được thể hiện trải nghiệm bản thân. Lâu ngày sẽ xuất hiện những ức chế nhất định trong tâm lý của trẻ.
Nuông chiều trẻ quá mức cũng làm trẻ hay cáu gắt, không kiềm chế được cảm xúc. Do thói quen luôn được nuông chiều, đáp ứng hầu hết các yêu cầu… bỗng một ngày trẻ bị người lớn “từ chối” đáp ứng những yêu cầu đó. Thái độ này của người lớn sẽ khiến trẻ tức giận, la hét, ăn vạ để được đáp ứng lại.
Ngoài ra khi trẻ căng thẳng, đói mệt, bị bạn lấy mất đồ chơi yêu thích, bị kích thích quá mức cũng là nguyên nhân làm trẻ hay cáu gắt. Với những cơn thịnh nộ kiểu này, nó thường được kết thúc sau tuổi lên 4. Tuy nhiên, có thể sẽ vẫn tiếp diễn nếu trẻ có thể dùng phương tiện này để đạt những gì mình muốn.
Cách xử trí thông minh khi trẻ hay cáu gắt
Để những cơn thịnh nộ, cáu gắt này nhanh chóng bị dập tắt và không theo đuổi trẻ lâu dài mẹ cần có những cách xử lý thông minh.
Xác định nguyên nhân khiến trẻ hay cáu gắt
Nhiều trẻ tức giận, cáu gắt khi cùng mẹ đi mua sắm, đến nhà người quen hay trong bữa ăn. Lúc này mẹ nên giảm nhẹ căng thẳng cho con bằng cách rút ngắn thời gian mua bán, thời gian ăn… để bé không cảm thấy mệt mỏi, chán chường.
Thấu hiểu cảm xúc của bé
Mẹ cần thấu hiểu những cơn tức giận của trẻ. Nếu nhận thấy trẻ bắt đầu có những biểu hiện nóng giận, cần nhanh chóng đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ vào một hoạt động khác, như thế cơn tức giận của bé cũng nhanh chóng tiêu tan.
Khi trẻ cáu gắt, hãy bình tĩnh
Khi con tức giận, cha mẹ cũng nổi giận theo như thế mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn. Nếu việc trẻ cáu gắt buộc bạn phải lên tiếng, hãy hít một hơi thật sâu và nói với trẻ bằng giọng trầm tĩnh với hành động chậm dãi… Đây sẽ là một cách xử trí thông minh, giúp trẻ cân bằng lại cảm xúc nhanh chóng.
“Lờ đi” cơn thịnh nộ của trẻ
Khi cơn thịnh nộ của trẻ xuất hiện, cha mẹ có thể phớt lờ hành vi đó của trẻ, cho tới khi bé ngừng cáu gắt. Bởi khi cơn nóng giận đó đạt tới đỉnh điểm, việc đánh lạc hướng hay giải thích sẽ chẳng có lợi ích gì. Bé sẽ không để tâm và nghe bạn nói.
Việc mẹ cứ mãi giải thích, dỗ dành càng làm bé hiểu rằng: cơn thịnh nộ đang có tác dụng và làm cha mẹ phải sợ, từ đó bé sẽ lấy hành động này để thường xuyên đe dọa cha mẹ.
Không nhân nhượng
Trẻ hay cáu gắt do bé muốn và không muốn làm điều gì đó như không muốn đi tắm, muốn được ăn kẹo buổi tối… Trong hoàn cảnh này, bạn nên nhẹ nhàng nhưng cương quyết yêu cầu không được làm việc này hoặc không đáp ứng điều bé muốn.
Hãy kiên định trong thái độ
Để đối phó với việc trẻ hay cáu gắt cha mẹ nên kiên định, nhất quán trong việc xử lý những cơn tức giận của trẻ. Lúc lại dỗ dành đáp ứng mong muốn của trẻ, lúc lại không thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Khen thưởng hành vi tích cực
Nếu bé kiểm soát tốt cơn nóng giận cha mẹ có thể nhiệt tình khen ngợi con để bé thấy việc bé kiềm chế được cảm xúc là việc làm tốt, cần phải duy trì.
Cần làm gương
Cha mẹ luôn là bản sao trong cách cư xử của con. Nếu khi tức giận cha mẹ cũng không kiểm soát được hành vi của mình mà chửi bới, đập phá… thì rất khó để khuyên trẻ bình tĩnh. Chính vì thế để xử lý tốt cơn nóng giận của con, cha mẹ cũng phải xử lý tốt cơn nóng giận của mình. Muốn con tốt cha mẹ phải là tấm gương để con noi theo.
Trẻ hay cáu gắt đôi khi là biểu hiện tâm lý rất bình thường, nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Nếu cha mẹ xử lý tốt, giai đoạn này sẽ sớm qua nhanh. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn quyết định cách thức giáo dục không nhỏ cho sự trưởng thành sau này.
Vì vậy cha mẹ phải lưu ý và biết cách xử lý thông minh, đúng cách để khi trưởng thành chúng sẽ là những đứa trẻ độc lập, biết nghe lời và sống đúng nguyên tắc.