Thị lực của trẻ sơ sinh là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Bố mẹ hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển thị lực của con, cũng như các bài tập kích thích phát triển thị giác và những điều cần lưu ý để giúp con có đôi mắt sáng, khỏe mạnh nhất!
Mách Mẹ Chọn Trò Chơi Giúp Bé Thông Minh
11 Cách Dạy Con Thông Minh Khác Người Của Cha Mẹ Có Con Thiên Tài
Quá trình phát triển thị lực của trẻ sơ sinh
Trải qua 9 tháng 10 ngày ở trong bụng mẹ, ngày con cất tiếng khóc chào đời cũng chính là lúc mắt con lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng của thế giới bên ngoài. Vậy lúc này con nhìn thấy gì nhỉ?
Thực tế thì lúc này thị lực của con còn non yếu nên khả năng nhìn nhận hình ảnh còn vô cùng hạn chế. Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng đầu đời, thị lực của con phát triển với tốc độ chóng mặt. Bố mẹ cùng tham khảo những mốc phát triển thị lực của con dưới đây!
Thị lực của trẻ trong vòng vài tuần đầu sau sinh
Khi con ở trong bụng mẹ, mắt của con đã bắt đầu hình thành và phát triển từ tuần thứ 4 của thai kì. Con có thể nhận biết được ánh sáng từ khoảng tuần thứ 16. Hầu hết thời gian ở trong bụng mẹ, mí mắt của con đều đóng (cho đến tuần thứ 26) và tầm nhìn bị hạn chế nhiều.
Bởi vậy, khi con vừa chào đời, mắt con cần có thêm thời gian để thích nghi với ánh sáng cùng vô vàn thứ màu sắc lấp lánh diệu kì của thế giới bên ngoài. Thời gian này, tầm nhìn xa nhất của con chỉ khoảng 20 đến 25cm.
Con có thể nhìn thấy hầu hết các màu sắc, tuy nhiên con chưa phân biệt được những màu sắc tương tự nhau. Những màu sắc rõ nét, có độ tương phản cao như đen và trắng thường dễ dàng thu hút sự chú ý của con.
Đặc biệt trong thời gian này, con thường tỏ ra thích thú khi nhìn vào khuôn mặt của những người thân yêu trong gia đình, do đó bố mẹ hãy dành thời gian tương tác nhiều nhất có thể cùng con!
Từ 2 đến 4 tháng tuổi
Sau những nỗ lực gây sự chú ý với con không ngừng nghỉ trong những tuần đầu tiên, một số bé đã có thể nhận ra khuôn mặt của người thân và tặng bố mẹ vài trái ngọt là “ những nụ cười đầu tiên”.
Tầm nhìn của con đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế. Con bắt đầu có khả năng nhìn các vật chuyển động tốt hơn.
Điểm mấu chốt trong thời điểm này là sự phát triển về chiều sâu của thị giác, khi hai mắt của con bắt đầu kết hợp ăn ý và nhìn nhận các tiểu tiết của người, vật. Con bắt đầu nhìn nhận và so sánh các màu sắc gần nhau và thậm chí thể hiện xu hướng yêu thích một số màu nhất định.
Từ 5 đến 8 tháng tuổi
Thị lực của trẻ trong giai đoạn này đã có những tiến triển rõ ràng hơn. Tầm nhìn của con đã nâng lên khoảng 2 mét. Con có thể nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ hay những món đồ cách khá xa cũng như tập trung vào các chi tiết nhỏ.
Lúc này, thế giới tràn ngập màu sắc xung quanh hiện lên rõ nét hơn, rực rỡ hơn bao giờ hết.
Từ 9 đến 12 tháng tuổi
Cho đến khi con tròn 1 tuổi, thị giác của con gần như đã hoàn thiện như mắt của người trưởng thành! Con bắt đầu nhận thức được các vật thể gần xa, to nhỏ rõ ràng hơn cũng như phân biết được các màu sắc, kể cả những màu sắc tương đồng như đỏ và cam.
Làm thế nào để kích thích sự phát triển thị lực của trẻ?
Quá trình phát triển thị lực của bé luôn đi kèm với sự phát triển của não bộ. Quá trình này có nhanh, có chất lượng hay không cũng phụ thuộc một phần vào sự hỗ trợ của bố mẹ!
Đôi khi những hành động nhỏ của bố mẹ cũng có thể kích thích sự phát triển thị lực của con. Bố mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây!
Trò chuyện với con
Nhiều bố mẹ nghĩ con mới sinh ra, chưa biết nói thì không cần trò chuyện với con. Tuy nhiên đôi ba câu chuyện thủ thỉ, tâm sự với con lại đem đến những tác dụng tuyệt vời tới khả năng nghe nhìn cũng như kích thích não bộ của con phát triển.
Trong thời gian trò chuyện cùng con, bố mẹ đừng quên dành cho con những cái nhìn âu yếm để con cảm thấy được yêu thương, vỗ về để sẵn sàng khôn lớn, trưởng thành.
Treo vật chuyển động
Khi thị giác của con dần hoàn thiện, con có khả năng nhìn nhận các vật thể đang chuyển động từ chậm đến nhanh dần. Bố mẹ có thể treo các món đồ chơi hoặc các mô hình chuyển động ngay phía trên cũi để kích thích thị giác của bé. Các món đồ chơi hoặc khối mô hình nên có họa tiết cũng như màu sắc tương phản như trắng-đen-đỏ, trắng-đen để thu hút sự chú ý của con.
Ngắm bản thân qua gương
Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều ngộ nhận xoay quanh vấn đề cho trẻ soi gương khiến trẻ chậm nói. Tuy nhiên, không có bất kì bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên hệ giữa khả năng nghe nói của trẻ và việc soi gương!
Việc cho trẻ ngắm nhìn bản thân qua gương giúp con dần nhận thức được bản thân mình cũng như sự thay đổi của bản thân qua từng ngày. Mặc dù đến tận tháng thứ 15 con mới có khả năng nhận biết bản thân.
Cùng con khám phá thế giới
Cho đến khi con có thể tự đứng lên và đi bằng đôi chân của mình để thỏa sức khám phá thế giới bao la ngoài kia, bố mẹ hãy là đôi chân của con, cùng con ngắm nhìn thế giới.
Nghe có vẻ lớn lao nhưng đôi khi bố mẹ chỉ cần bế con đi xung quanh nhà, giới thiệu cho con về các món đồ vật trong nhà.
Vì đơn giản thế giới của con đang dần mở rộng ra, mọi vật xung quanh đều mới lạ với con. Bố mẹ hãy là người chỉ đường, chỉ cho con thấy thế giới này tươi đẹp đến nhường nào!
Những vấn đề về thị lực của trẻ sơ sinh bố mẹ cần chú ý
Bố mẹ cần nhanh chóng nhận biết vấn đề về thị lực của bé để có hướng xử lý phù hợp.
Mang thai con 9 tháng 10 ngày, bố mẹ nào cũng mong muốn con sinh ra đủ đầy, khỏe mạnh. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, ngay từ khi con chào đời, bố mẹ cần biết về các vấn đề thị lực của trẻ sơ sinh dưới đây để có hướng xử lý kịp thời!
Mắt đỏ
Khi thấy mắt con có dấu hiệu đỏ hoặc sưng, bố mẹ cần báo bác sĩ để tránh trường hợp bé bị dị ứng hoặc nhiễm trùng mắt.
Chảy nước mắt
Đây là dấu hiệu tuyến lệ của bé đang bị tắc, bố mẹ cần tìm kiếm biện pháp thông tắc tuyến lệ cho bé.
Đồng tử trắng
Đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm, có thể do đục thủy tinh thể hoặc khối u.
Hiện tượng mắt lác
Trong vài tháng đầu tiên, đôi khi bố mẹ có thể thấy mắt con hơi lác một chút. Tuy nhiên đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng, bố mẹ nên tìm đến bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và điều chỉnh kịp thời.
Các vấn đề thị lực khác
Ngứa mắt, quá nhạy với ánh sáng, mắt lồi hơn bình thường, đảo mắt liên tục, sưng tấy hoặc đau mắt.
Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, thu trọn thế giới tươi đẹp rực rỡ xung quanh con! Bởi vậy, bố mẹ cần tìm hiểu rõ về thị lực của trẻ sơ sinh, hiểu rõ những vấn đề và hướng giải pháp tối ưu nhất để con có một đôi mắt đẹp, khỏe! Hy vọng rằng bài chia sẻ trên đem đến nhiều giá trị tham khảo cho bố mẹ!
Nguồn: https://thongminhmatsang.com