Vitamin B6 là một loại vitamin rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ, giúp bảo vệ hệ thần kinh và hệ miễn dịch luôn được khỏe mạnh. Ngoài tác dụng đó ra bạn còn biết thêm điều gì khác nữa? Cùng tìm hiểu và khám phá bí mật ít người biết bên dưới đây.
Vitamin B6 là gì?
Vitamin B6 còn có tên gọi khác là Pyridoxine, một loại vitamin có trong nhóm vitamin B. Tất cả các vitamin nhóm B trong đó bao gồm cả B6 đều đóng vai trò quan trọng giúp duy trì hoạt động của chức năng thể chất và tâm lý. Không chỉ giúp duy trì chức năng thần kinh, hệ miễn dịch khỏe mạnh, vitamin B-6 còn giúp duy trì chức năng gan, trao đổi chất, góp phần bảo vệ tốt cho da, móng và tóc.
Vitamin B6 cùng một số dẫn xuất khác như pyridoxal 5-phosphate, pyridoxal và pyridoxamine. Những hợp chất này đều rất cần thiết để duy trì chức năng thần kinh, thể chất và tuần hoàn của cơ thể. Vì thế, nếu thiếu vitamin B-6, bạn sẽ cảm thấy lo âu, khó chịu, mệt mỏi… và có thể là trầm cảm.
Vai trò của Vitamin B6 với cơ thể
Vitamin B6 khi đi vào cơ thể sẽ biến đổi thành pyridoxal 5- phosphate, hoạt chất này sẽ hoạt động như những coenzym. Trong cơ thể có khoảng 100 enzyme sử dụng pyridoxal 5- phosphate để tham gia vào quá trình chuyển hóa.
Ngoài ra hoạt chất này còn có chức năng tổng hợp những chất dẫn truyền thần kinh (serotonin, taurine, dopamin, norepinephrin, gamma-aminobutyric acid, histamin…) và các phản ứng chuyển hóa amino acid.
Bên cạnh đó, Vitamin B6 còn giúp giảm lượng cholesterol trong máu ở người xơ vữa động mạch. Giảm sự hình thành oxalat trong máu, loại bỏ oxalat thừa ra bằng đường tiểu giúp phòng ngừa sỏi thận.
Với phụ nữ có thai, Vitamin B6 là thành phần quan trọng giúp phát triển hệ thần kinh và não bộ của thai nhi và trẻ em sau sinh.
Với trẻ nhỏ Vitamin B6 giúp cơ thể tạo ra melatonin, một loại hormone quan trọng giúp trẻ ngủ ngon hơn. Ngoài ra Vitamin B6 còn có vai trò lớn trong việc tạo ra các hormone serotonin và norepinephrine, hai loại hormon được gọi là “hormone hạnh phúc” giúp kiểm soát tâm trạng, năng lượng và sự tập trung. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi đứa trẻ bị rối loạn hành vi, mất sự tập trung (biểu hiện tăng động, giảm chú ý) đó có thể là bé đang bị thiếu Vitamin B6.
Với những người thường xuyên hút thuốc lá, Vitamin B6 kết hợp với methionine trong thuốc lá sẽ có tác dụng tốt trong việc giảm thiểu ung thư phổi. Đây là kết quả nghiên cứu từ năm 1992 – 2000 ở 591.000 người trên 10 nước châu u của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế Lyon (Pháp).
Nhu cầu Vitamin B6 của cơ thể
Vitamin B6 khi đi vào cơ thể sẽ được hấp thu nhanh sau đó sẽ được dự trữ ở gan, một phần ở não và cơ; rồi được thải trừ qua thận dưới dạng chuyển hóa. Nếu lượng B6 đưa vào cơ thể vượt quá nhu cầu thì đào thải dưới dạng không biến đổi.
Với người bình thường nhu cầu vitamin B6 hàng ngày ở nam là 2mg/ngày và ở nữ là 1,6mg/ngày. Ở trẻ em dưới 3 tuổi là 0,3mg/ngày. Từ 3-5 tuổi là 0,6mg/ngày. Từ 6 – 15 tuổi là 1mg/ngày.
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA), ngưỡng tối đa của vitamin B6 với cơ thể con người là 10mg. Sử dụng quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nguy hiểm hơn là gây rối loạn thần kinh cảm giác.
Những thực phẩm tự nhiên có chứa Vitamin B6
- Thức ăn từ động vật: thịt gia cầm, thịt bò, thịt lợn, trứng, cá…
- Thức ăn từ thực vật: ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, khoai tây, đậu hạt, cà rốt, lạc, cải bắp, súp lơ, chuối, dưa hấu… Tuy nhiên, trong quá trình nấu nướng và chế biến những thực phẩm này không nên hầm nhừ, bảo quản quá lâu, để đông lạnh. Bởi như thế không những làm mất đi lượng vitamin B6 cần thiết, mà còn làm mất đi các loại vitamin bổ dưỡng khác.
Vitamin B6 có nhiều trong thực phẩm vì thế nếu chế biến và bảo quản tốt thì lượng vitamin có trong các loại thực phẩm này cũng đủ cho nhu cầu cơ thể người bình thường.
Những trường hợp cần bổ sung Vitamin B6
Trẻ biếng ăn chậm lớn, phụ nữ mang thai và cho con bú, người già, vận động viên luyện tập cường độ cao, người thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, buồn nôn…
Ngoài ra, những người rụng lông tóc, thiếu máu, cơ thể xanh xao, tâm lý dễ bị kích thích, rối loạn tâm thần, co giật, động kinh, viêm lưỡi, viêm da, tổn thương niêm mạc miệng, tăng tiết bã nhờn, nhiễm độc thai nghén, bỏng nặng, cắt dạ dày, sốt kéo dài, người hút thuốc lá hay nghiện thuốc lá, thuốc lào.
Các trường hợp: viêm thần kinh thị giác do rượu, viêm thần kinh ngoại vi cũng cần bổ sung theo dạng chế phẩm là thuốc.
Người bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, rối loạn hấp thu cũng phải bổ sung (có thể phải bổ sung suốt đời).
Trường hợp nếu bổ sung B6 quá liều (tức quá 100mg/ngày), sẽ gây tổn hại thần kinh biểu hiện tê chân, tay hoặc mất cảm giác… Khi thấy có những triệu chứng này cần giảm liều hoặc đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị.
Trên đây là một số thông tin không phải ai cũng biết khi dùng Vitamin B6. Vẫn biết B6 như một loại thuốc bổ tốt cho sức khỏe tuy nhiên không phải vì thế mà lạm dụng và sử dụng một cách bừa bãi. Hãy tìm hiểu, sử dụng đúng cách và đủ nhu cầu, chỉ có như thế mới giúp bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.
Nguồn: https://thongminhmatsang.com